Tại sao Samsung Galaxy Win i8552 không có chữ DUOS

Lượt xem: 6074

Vì sao một số điện thoại Samsung Galaxy Win i8552 không có chữ DUOS

Anh bạn tôi mới đổi điện thoại sang một chiếc Samsung Galaxy Win i8552. Hí hửng đem ra "rửa" thì bỗng một người trong nhóm bạn nhận ra một sự khác biệt "nho nhỏ" là trên góc phải của vỏ máy không có chữ Duos ( 2 sim 2 sóng ). Thế là ông anh vội vã mang ra cửa hàng điện thoại nơi mua cái máy ấy để thắc mắc, chưa biết kết quả ra sao. Chợt nghĩ không biết đã có bao nhiêu người gặp phải trường hợp như anh bạn tôi? Và liệu đó có phải là một sản phẩm "lỗi" của nhà sản xuất vậy Samsung Galaxy Win i8552 không có chữ DUOS là thế nào?

 


Hình ảnh một chiếc Samsung Galaxy Win chính hãng

 

Chợt nhớ trong tháng 3 và 4/2014, báo chí có đưa tin nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung Việt Nam đặt tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) liên tiếp bị mất cắp 333 bản mạch smartphone Galaxy S5, cùng điện thoại Galaxy Mega và Galaxy S4 chưa hoàn chỉnh… tổng trị giá lên tới hàng tỷ đồng. Liệu chiếc điện thoại anh bạn tôi mua có phải là hàng được lắp ráp từ những linh kiện đã được tuồn ra ngoài tiêu thụ đó? Mà dân trong nghề vẫn gọi những chiếc điện thoại đó là “hàng dựng”. Nếu đúng thật là như vậy, thì anh bạn tôi cũng được an ủi là còn được dùng phụ kiện chính hãng Samsung sản xuất. Đặt trường hợp rủi ro hơn, đó hoàn toàn có thể là một chiếc điện thoại giả nếu nơi bán chiếc điện thoại đó không phải là một store uy tín.

 

Hình ảnh một chiếc Samsung Galaxy Win không có chữ Duos được rao bán trên mạng

 

Một cụm từ nữa vẫn hay được dân mê công nghệ nhắc đến, đó là cụm từ “hàng nhảy”. Thực chất đó là những chiếc điện thoại nguyên chiếc do một số công nhân trong nhà máy sản xuất lấy cắp đem ra ngoài bán. Thường các máy này có kèm theo một số phụ kiện nhưng không có hộp và chưa được nhập số IMEI, nên khi kiểm tra IMEI thường ra số 0000. Tuy nhiên, cũng có một số máy được quảng cáo là có IMEI, do được tuồn ra sau khi qua khâu kiểm tra sau cùng (trước khi đóng gói). Do các máy này chưa qua khâu kiểm định cuối nên người dùng phải chịu rủi ro cao do có thể mua phải những sản phẩm lỗi và đương nhiên không được bảo hành chính hãng. Mặc dù vậy, nhiều người lại săn lùng những chiếc điện thoại "hàng nhảy" này vì đánh vào tâm lý khách hàng, những chiếc điện thoại này thường được rao bán trên mạng với giá rẻ hơn hàng chính hãng nhiều lần, mà xét về một khía cạnh nào đó, người dùng vẫn được sở hữu một sản phẩm chất lượng chính hãng. Họ quên, hoặc cố tình quên rằng hành động đó là vô tình tiếp tay cho nạn trộm cắp, là vi phạm pháp luật. Mặt khác, cũng lợi dụng tâm lý đó, có đối tượng lợi dụng “bán điện thoại hàng nhảy” để dễ tiêu thụ hàng dựng, hàng cũ để lừa người tiêu dùng ham rẻ mà không có kiến thức về diện thoại

Dù chiếc điện thoại của anh bạn tôi mua là "hàng giả", "hàng nhảy", hay "hàng dựng"..., thì đó cũng là một bài học cảnh tỉnh cho những ai muốn sở hữu một sản phẩm chính hãng nhưng lại thiếu kiến thức, và lại không tới những store phân phối chính thức để mua. Không biết đến bao giờ nạn điện thoại "nhảy", điện thoại "dựng" mới bị tiêu diệt hết để trả lại niềm tin cho người tiêu dùng, và niềm tin cho những nhãn hãng điện thoại đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư tại Việt Nam.

Gợi ý cho bạn